Bên cạnh câu hỏi “tới tháng nên ăn gì?” thì đồ uống cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và tinh thần chị em phụ nữ trong chu kỳ nguyệt san. Cùng Diệu Linh tìm hiểu về các loại đồ uống gì nên uống khi tới tháng nhé.
Nước uống gì nên dùng khi tới tháng
Để cải thiện những triệu chứng khó chịu khi đau bụng kinh, các bạn nên tăng cường các loại đồ uống sau đây:
Nước lọc
Câu nói “70% trọng lượng cơ thể là nước” cho thấy vai trò quan trọng của nước đối với cơ thể, đặc biệt trong những ngày đèn đỏ. Việc bổ sung nước đầy đủ luôn là yêu cầu đầu tiên khi tới tháng, giúp cơ thể giữ nước và giảm được hiện tượng đầy hơi, đau nhức.
Lưu ý:
- Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể khi đến tháng.
- Cần phải uống nước thường xuyên nhưng không nên uống quá nhiều nước 1 lần.
Sữa đậu nành
Chúng ta vẫn biết đậu nành rất tốt cho nội tiết tố nữ. Khoa học đã chứng minh trong đậu nành có chứa hàm lượng lớn hợp chất isoflavone giúp cải thiện tinh thần, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Đồng thời, phytoestrogen trong đậu nành là một loại estrogen thực vật có cơ chế hoạt động gần giống với estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Do vậy, một cốc sữa đậu nành ấm mỗi ngày sẽ có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa kinh nguyệt, giảm thiểu các cơn đau bụng kinh khó chịu.
Lưu ý: Lạm dụng quá nhiều đậu nành sẽ gây nên nhiều tác dụng phụ không tốt.
Sữa ấm
Sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho mọi độ tuổi. Với chị em chúng mình, uống sữa trong ngày dâu sẽ giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Từ đó, cơ thể mới có khả năng chống lại những căng thẳng, mệt mỏi do sự thay đổi nội tiết gây ra.
Lưu ý: Chỉ nên uống sữa ấm để giữ cho bụng dạ ổn định. Sữa lạnh sẽ làm tăng hiện tượng co thắt tử cung do có tính hàn.
Trà gừng
Như đã nói ở phần thực phẩm, gừng là một loại gia vị có tác dụng làm dịu các cơn buồn nôn hay đau bụng kinh. Ngoài việc sử dụng gừng trong chế biến món ăn, các bạn còn có thể biến tấu làm món trà gừng cực kỳ hấp dẫn. Uống trà gừng mỗi ngày không chỉ giúp lưu thông máu huyết mà còn tăng sức đề kháng cho chị em trong những ngày “khó ở”.
Mình thường cho 5-6 lát gừng mỏng vào 1 cốc nước sôi, sau 3 phút cho thêm chút mật ong và thưởng thức. Cách làm này đơn giản mà lại không tốn nhiều thời gian.
Lưu ý: Sử dụng không quá 400gr gừng mỗi ngày để tránh hiện tượng nóng trong, mụn nhọt.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc không chỉ là một thức uống thanh tao, tinh tế trong văn hóa thưởng trà của người Việt mà còn có rất nhiều tác dụng đối với chị em phụ nữ trong kỳ nguyệt san. Theo nhiều nghiên cứu, trà hoa cúc có tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc, bổ não, chữa suy nhược thần kinh. Do vậy, sử dụng một tách trà mỗi ngày sẽ giúp làn da chị em được giữ ẩm và nuôi dưỡng sâu bên trong. Hoạt chất chamomile có trong hoa cúc còn có khả năng xoa dịu các dây thần kinh, giảm cảm giác bồn chồn, bất an, đưa bạn vào trạng thái thư giãn cần thiết.
Mình luôn trữ sẵn hoa cúc sấy khô trong nhà. Cách đơn giản nhất là tráng qua cánh hoa cúc với nước sôi rồi chắt bỏ hết nước, chỉ giữ lại cánh hoa trong cốc. Sau đó cho thêm nước sôi 90 độ vào để hãm thành trà. Bạn cũng có thể cho thêm táo đỏ, kỳ tử, cỏ ngọt vào để pha cùng hoa cúc; hoặc thêm chút mật ong sẽ làm cho hương vị tách trà thêm ngọt ngào và bổ dưỡng hơn.
Lưu ý:
- Trà hoa cúc lại không thích hợp với phụ nữ có thai do dễ làm kích thích dạ dày, gây tiêu chảy và một số triệu chứng khác.
- Không nên uống trà hoa cúc khi đói. Thời điểm thích hợp nhất để thưởng trà chính là nửa giờ sau bữa ăn sáng hoặc nửa giờ trước khi đi ngủ.
Nước dừa
Hội chị em vẫn thường truyền tai nhau bí kíp uống nước dừa để điều hòa kinh nguyệt khi tới tháng. Các khoáng chất và vi chất dinh dưỡng có trong nước dừa sẽ giúp tử cung co bóp nhẹ nhàng, giảm thiểu các cơn đau bụng kinh. Uống nước dừa mỗi ngày còn giúp giải độc gan, thanh lọc cơ thể, chống nhiễm khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch.
Lưu ý: Tuyệt đối không uống nước dừa lạnh để tránh bị hàn gây nên hiện tượng đau bụng trong ngày đèn đỏ.
Nước ép cam, bưởi
Như trên mình có nói trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm đồ chua không tốt cho ngày đèn đỏ. Tuy nhiên, khoa học cũng chỉ ra rằng một cốc nước ép cam, bưởi vừa đủ trong kỳ nguyệt san sẽ kích thích lượng máu ra đều và các triệu chứng khó chịu sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn cho bạn gái. Nước cam, nước bưởi cung cấp hàm lượng lớn vitamin C giúp cho da dẻ mịn màng, tinh thần thoải mái trong ngày nhạy cảm. Vitamin C kết hợp cùng axit citric có trong cam, bưởi sẽ tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ được tối đa chất sắt thì những thực phẩm khác.
Lưu ý:
- Không nên uống khi đói bụng sẽ gây cồn ruột.
- Không nên uống vào tuổi tối vì dễ gây tiểu đêm làm mất ngủ.
- Uống quá nhiều nước cam,bưởi có thể gây viêm loét dạ dày. Do đó, chỉ uống tối đa 1 cốc/ngày và không nên chọn cam, bưởi quá chua.
Nước ép táo
Quả táo chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và chất xơ hòa tan có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da, đem lại cảm giác dễ chịu cho bạn gái. Ngoài ra, hàm lượng sắt cao có trong quả táo còn giúp bổ máu, hạn chế tình trạng mất máu trong những ngày dâu rụng.
Cách làm: Táo gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành miếng nhỏ. Cho táo vào máy xay sinh tố cùng với chút đường, nước cốt chanh, 1 nhánh gừng nhỏ. Sau đó, xay thật nhuyễn rồi lọc qua rây lấy nước cốt.
Nước ép lựu
Lựu là loại quả rất giàu vitamin C, E, K và các chất chống oxy hóa mạnh. Ngày kinh nguyệt uống 1 cốc nước ép lựu có thể giúp cơ thể chống mất nước, lưu thông khí huyết, cân bằng nội tiết, giảm đau và chống suy nhược.
Cách làm: Tách hạt lựu cho vào máy ép lấy nước. Sau đó cho thêm vài lát chanh và chút đường và khuấy đều.
Nước ép dứa
Quả dứa có hàm lượng mangan cao, có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Đồng thời, chất bromelain trong quả dứa còn có khả năng kháng viêm, chống khuẩn, ngăn ngừa những cơn đau bụng. Vì vậy, nước ép dứa cũng là một trong những lựa chọn của mình khi tới tháng.
Cách làm: Dứa gọt sạch, bổ miếng cau, cho vào máy ép. Sau cùng thêm một chút muối, đường và khuấy đều.
Lưu ý: Không nên uống quá nhiều nước ép dứa và không uống khi đói.
Sinh tố bơ
Quả bơ được ví như thần dược cho phụ nữ mọi độ tuổi. Vì vậy, các khuyến gia khuyến khích chị em nên uống sinh tố bơ thường xuyên để nâng cao sức khỏe khi tới tháng. Quả bơ chứa rất nhiều vitamin, chất dinh cần thiết cho cơ thể. Một cốc sinh tố bơ mỗi ngày sẽ hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp năng lượng, giúp kinh nguyệt ổn định hơn, giảm mệt mỏi.
Mình thường làm sinh tố bơ xay nhuyễn với sữa tươi, thêm ít đá bào. Hoặc biến tấu cùng vài lá bạc hà, bạn sẽ có một cốc sinh tố bơ bạc hà thơm ngon và hấp dẫn.
Nước ép cà rốt
Cà rốt là loại củ rất giàu vitamin A, C, sắt, canxi và chất xơ cần thiết, đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống nước ép cà rốt khi tới tháng sẽ có tác dụng bổ máu, tăng sức đề kháng và làm dịu những cơn đau của con gái chúng mình.
Cách làm nước ép cà rốt tại nhà của mình: Xay nhuyễn cà rốt bằng máy xay sinh tố. Sau đó lọc lấy nước cốt, thêm chút đường cho dễ uống
Lưu ý:
- Thành phần chất xơ trong cà rốt chủ yếu dưới dạng không hòa tan. Nếu ăn quá nhiều cà rốt sẽ gây hiện tượng khó tiêu, táo bón.
- Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống 2-3 cốc nước ép cà rốt/tuần, mỗi lần chỉ sử dụng khoảng 50gr cà rốt là vừa đủ.
Nước ép cần tây
Nước ép cần tây có gì mà tới tháng nên uống? Dạo gần đây, nước ép cần tây đang trở thành hot trend làm đẹp, thu hút sự quan tâm rất lớn của phái đẹp. Cần tây chứa ít chất béo và cholesterol, lại giàu sắt, chất xơ và nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin B, C, K… Bởi vậy, nước ép cần tây có tác dụng rất tốt trong việc giảm viêm, trẻ hóa làn da, ngăn ngừa thiếu máu, hỗ trợ tiêu hóa và ổn định kinh nguyệt.
Cách làm nước ép cần tây tại nhà khá đơn giản: Cho cần tây đã rửa sạch vào máy ép để lấy nước. Nếu dùng máy xay sinh tố thì bạn dùng rây lọc nước. Sau đó thêm lượng đường và đá tùy sở thích và thưởng thức.
Lưu ý:
- Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng thời điểm uống nước ép cần tây tốt nhất là trước bữa ăn sáng tầm 30 phút.
- Lượng nước ép cần tây lý tưởng mỗi ngày là 500ml cho một người bình thường.
Như vậy chị em đã biết tới tháng nên uống gì? Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần biết vào ngày tới tháng chúng ta không nên uống gì nhé. Hãy cùng Haduxi và Diệu Linh tìm hiểu ở phần tiếp theo này.
Nước uống gì không nên uống khi tới tháng
Nước đá, đồ uống lạnh
Nước đá và đồ uống lạnh nói chung thường giúp chúng ta giải khát trong mùa hè, nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong kỳ nguyệt san. Nước đá lạnh làm giảm tuần hoàn máu, có thể gây ra tình trạng ứ kinh, bế kinh.
Kinh nguyệt khi không thoát ra ngoài được sẽ khiến cơ thể luôn ở trong trạng thái lo lắng, khó chịu. Không những thế, nước đá còn khiến cổ tử cung co bóp mạnh khiến tình trạng đau bụng kinh trở nên dữ dội hơn ở một số bạn nữ.
Lời khuyên: Uống nước ấm sẽ an toàn hơn cho cơ thể.
Rượu bia và đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn như rượu, bia… chứa chất kích thích tác động lên thần kinh và cơ trơn ở tử cung, làm cho tử cung co thắt mạnh và kéo dài hơn những cơn đau. Thêm nữa, bia rượu còn làm tăng nồng độ estrogen và testosterone trong cơ thể dẫn đến những thay đổi bất thường trong chu kỳ rụng trứng. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt này nếu để xảy ra thường xuyên còn có thể ảnh hưởng đến các hormone sinh sản ở bạn nữ. Bởi vậy, khi tới tháng chị em cần tuyệt đối tránh dùng rượu bia và các đồ uống có cồn khác.
Coffee và các thức uống chứa caffeine
Có những lúc mình đã uống coffee như một con nghiện. Đối với nhiều bạn gái coffee được coi như một liệu pháp để tỉnh táo hơn, tăng hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên nếu chúng ta lạm dụng coffee sẽ gây nên những hậu quả khó lường trong chu kỳ kinh nguyệt. Theo các chuyên gia trong coffee có chứa caffein là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Vào ngày đèn đỏ, nó sẽ làm gia tăng những cảm xúc căng thẳng, tâm trạng bất ổn và dễ mất ngủ, cáu gắt.
Mình đã từng rất cố gắng để “cai nghiện” thức uống đầy ma lực này bằng cách:
- Giảm dần số lần uống coffee, thay thế dần coffee bằng trà thảo mộc.
- Ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Nước ngọt, nước tăng lực và các đồ uống có gas
Đây là loại đồ uống có chứa rất nhiều đường và caffeine nên rất dễ gây nên tình trạng đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, tinh thần mệt mỏi. Hơn nữa, đồ uống có gas được nạp vào cơ thể còn gây đầy bụng, chán ăn dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng.
Với mình thì nước ngọt, nước tăng lực không hề có trong danh sách đồ uống hàng ngày. Mỗi khi đi ăn nhà hàng, mình thường gọi Lavie hoặc trà thảo mộc thay thế cho những đồ uống không tốt cho sức khỏe.
Nước trái cây đóng hộp
Thành phần của nước trái cây đóng hộp có chứa phosphate – một chất làm ngăn cản sự hấp thụ sắt vào cơ thể. Thêm nữa, đường và chất natri bicarbonate trong những chai nước trái cây pha sẵn còn hạn chế vai trò tiêu hóa của acid trong dạ dày, gây nên tình trạng chướng bụng, chán ăn. Do đó, các bạn gái cũng nên tránh loại đồ uống này để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, đặc biệt là trong những ngày đèn đỏ.
Trà đen và trà xanh
Tuy trà xanh được biết đến nhiều với công dụng làm đẹp nhưng lại không thích hợp cho chị em khi tới tháng. Trong trà xanh và trà đen có chứa tới 30% acid tannic – là một chất làm tiêu hao vitamin B, khiến lượng sắt trong cơ thể bị thiếu hụt. Vào kỳ kinh nguyệt, chúng ta dễ bị thiếu sắt do một lượng máu lớn trong cơ thể bị mất đi. Do đó, cần ngừng uống trà xanh, trà đen khi tới tháng nếu chị em không muốn nhìn thấy vẻ nhợt nhạt, xanh xao của mình trong những ngày này.
Rõ ràng những ngày đèn đỏ luôn là một cửa ải đầy thử thách với lòng kiên nhẫn của con gái. Tuy nhiên, như các bạn thấy đấy, chỉ cần để ý một chút trong cách ăn uống hàng ngày thôi là chúng mình đã có thể tự cải thiện sức khỏe và tâm trạng lên rất nhiều. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết cuối tháng nên uống gì của mình sẽ giúp ích được nhiều bạn đang còn loay hoay khó chịu vì đau bụng kinh mỗi khi tới tháng. Chúc chị em luôn vui vẻ, hạnh phúc, trải qua những ngày dâu rụng thật nhẹ nhàng, đơn giản và đừng quên tham gia group review skincare của mình nhé: https://www.facebook.com/groups/Beauty2review
Xem thêm:
Review ngũ cốc Calbee cho người giảm cân của Nhật Bản
70+ shop bán mỹ phẩm uy tín trên Shopee kèm kinh nghiệm chọn shop (2021)